Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women’s World Cup) là gì?

Bên cạnh những người đồng nghiệp nam giới, các cầu thủ nữ cũng đã có được sân chơi của riêng mình ở cấp độ thế giới và cũng có giải đấu World Cup phiên bản nữ. Hãy cùng trungtamtdtthanoi.com.vn tìm hiểu rõ hơn về giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women’s World Cup) qua phần nội dung sau đây.

Giới thiệu về giải vô địch bóng đá nữ thế giới

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới hay FIFA Women’s World Cup được xem là một phiên bản FIFA World Cup dành cho nữ giới. Đây là giải đấu dành cho các cầu thủ nữ trên toàn thế giới tranh tài, thường thi đấu vào các năm lẻ và mỗi kỳ cách nhau 4 năm.

Lần đầu tiên, giải đấu được tổ chức vào năm 1991 tại Trung Quốc. Cho đến giải đấu năm 2019, Mỹ là đội tuyển giàu thành tích nhất tại giải khi có 4 lần lên ngôi vô địch (1991, 1999, 2015 và 2019) và cũng là đương kim vô địch của giải.

Có tổng cộng 6 quốc gia là nước chủ nhà của các kỳ World Cup nữ là Trung Quốc, Thụy Điển, Mỹ, Đức, Canada, Pháp. Ngoài ĐT nữ của Mỹ, các đội tuyển khác cũng từng vô địch giải đấu là Đức (2003, 2007), Na Uy (1995) và Nhật Bản (2011).

Lịch sử của FIFA Women’s World Cup

Dù giải vô địch bóng đá nữ thế giới ra đời vào năm 1991, tuy nhiên giải bóng đá nữ đầu tiên trên thế giới ở cấp độ quốc tế diễn ra vào năm 1970 tại Italy. Tiếp theo sau đó là một giải bóng đá khác không chính thức diễn ra tại Mexico. Đến những năm 1980, giải có tên gọi là Mundialito được tổ chức tại Italy 4 lần, Anh và Italy mỗi đội giành 2 chức vô địch.

Cũng vào những năm 1970, nhiều quốc gia đã gỡ bỏ lệnh cấm nữ giới chơi bóng đá. Từ đó dẫn đến việc nhiều đội bóng đá nữ được thành lập tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Giải bóng đá nữ chính thức đầu tiên ở châu Á ra đời vào năm 1975 và tại châu Âu là năm 1984.

Ellen Wille mong muốn có những nỗ lực tốt hơn để quảng bá cho hình ảnh bóng đá nữ thông qua Đại hội cấp cao của FIFA. Điều này đã được áp dụng vào năm 1988 khi một giải đấu được tổ chức tại Trung Quốc được xem như là phép thử để kiểm chứng xem khả năng tổ chức giải bóng đá nữ thế giới có thật sự khả thi hay không.

Ở giải đấu thử nghiệm, có sự tham gia của 12 đội bóng bao gồm 4 đội UEFA, 3 đội AFC, 2 đội đến từ CONCACAF, và các khu vực khác như CONMEBOL, CAF và OFC cử một đội dự giải. Ngay sau trận khai mạc giữa Trung Quốc và Canada chứng kiến sự theo dõi của 45 nghìn khán giả, giải đấu được tổ chức thành công tốt đẹp khi mỗi trận có trung bình 20 nghìn khán giả theo dõi mỗi đấu. Na Uy trở thành nhà vô địch của giải khi đánh bại Thụy Điển trong trận chung kết.

Sau thành công của giải thử nghiệm, FIFA chấp thuận việc tổ chức giải bóng đá nữ thế giới diễn ra vào năm 1991 cũng với số lượng đội tham dự tương tự như giải thử nghiệm. Tuy nhiên ở giải đấu chính thức đầu tiên, Mỹ là đội vô địch sau khi đánh bại Na Uy trong trận chung kết để lên ngôi vô địch.

Ở giải đấu năm 1999, một trong những khoảnh khắc lịch sử giải đấu diễn ra là màn ăn mừng bàn thắng của hậu vệ Brandi Chastain sau khi ghi bàn vào lưới ĐT Trung Quốc bằng quả đá phạt đền. Điều đáng chú ý là cô đã cởi áo ăn mừng và vẫy chiếc áo đấu như các cầu thủ nam để lộ thân hình lực lưỡng cộng với áo lót chuyên dụng để chơi thể thao. Trận chung kết năm 1999 tại SVĐ Rose Bowl chứng kiến 90.185 đến sân theo dõi và thiết lập nên kỷ lục thế giới về lượng khán giả theo dõi sự kiện thể thao dành cho nữ giới.

Năm 2003, giải đấu ban đầu được tổ chức tại Trung Quốc. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ dịch SARS, FIFA Women’s World Cup được dời sang Mỹ. Kể từ giải đấu năm 2015, số lượng đội tham dự tăng lên từ 16 lên thành 24 đội. Đến giải đấu năm 2023 sắp tới, số lượng đội sẽ được nâng lên thành 32 đội.

Thể thức của FIFA Women’s World Cup

Thể thức thi đấu của FIFA Women’s World Cup không có nhiều khác biệt so với những giải đấu áp dụng thể thức 24 đội bóng ở các giải đấu khác. Kể từ giải đấu năm 2015 với sự tham gia của 24 đội được chia thành 6 bảng, mỗi bảng 4 đội, 2 đội nhất nhì mỗi bảng sẽ giành vé vào vòng loại trực tiếp cùng 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất.

Các tiêu chí cũng không có quá nhiều sự khác biệt khi trong trường hợp các đội có cùng điểm số, thành tích đối đầu sẽ là yếu tố được xem xét đầu tiên, sau đó là hiệu số phụ và tổng số bàn thắng.

Kể từ năm 2023, giải đấu có sự tham gia của 32 đội bóng và thể thức thi đấu tương tự như giải bóng đá nam vô địch thế giới FIFA World Cup.

Thành tích của các đội tại giải bóng đá nữ thế giới

Năm Chủ nhà Vô địch Á quân Hạng 3 Hạng 4
1991 Trung Quốc Mỹ Na Uy Thụy Điển Đức
1995 Thụy Điển Na Uy Đức Mỹ Trung Quốc
1999 Mỹ Mỹ Trung Quốc Brazil Na Uy
2003 Mỹ Đức Thụy Điển Mỹ Canada
2007 Trung Quốc Đức Brazil Mỹ Na Uy
2011 Đức Nhật Bản Mỹ Thụy Điển Pháp
2015 Canada Mỹ Nhật Bản Anh Đức
2019 Pháp Mỹ Netherlands Thụy Điển Anh
2023 Australia và New Zealand

Cơ hội dành cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam?

Trong quá khứ, đã từng có 1 lần đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam suýt dự World Cup khi để thất bại trước chính đối thủ đầy duyên nợ Thái Lan trong trận đấu quyết định giành vé dự World Cup 2015. Trận play-off tranh vé dự World Cup 2015 diễn ra tại SVĐ Thống Nhất.

Đây là trận đấu tranh hạng 5 của giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2014 được tổ chức tại Việt Nam. ĐT nữ Việt Nam đánh bại nữ Jordan trong lượt trận đầu tiên ở vòng bảng trước khi để thất bại trước 2 đối thủ quá mạnh là nữ Nhật Bản và Australia ở 2 lượt trận sau đó. Qua đó ĐT nữ Việt Nam giành vị trí thứ 3 cộng với suất tranh vé thứ 5 dự World Cup 2015 gặp ĐT nữ Thái Lan.

Kanjana Sungngoen là người lập cú đúp giúp nữ Thái Lan có lần đầu tiên giành vé dự World Cup bóng đá nữ trong lịch sử. Trong khi đó, ĐT nữ Việt Nam vẫn phải tiếp tục chờ đợi thêm cơ hội ở giải đấu tiếp theo.

Ở giải đấu FIFA Women’s World Cup tiếp theo vào năm 2023, nếu muốn góp mặt tại World Cup, các cô gái của chúng ta ít nhất phải vượt qua vòng bảng của VCK giải bóng đá châu Á 2022. Qua đó sẽ lọt vào top 8 đội mạnh nhất giải.

Với 5 suất được dự World Cup cộng thêm một trong hai đội đồng chủ nhà của World Cup 2023 là Australia, châu Á có ít nhất 6 đội góp mặt tại vòng chung kết FIFA Women’s World Cup trong giải đấu có sự tham gia của 32 đội tuyển. Ngoài ra, loạt trận play-off cũng sẽ mở ra thêm cơ hội cho các đội tuyển nữ khác của châu lục.

Để đạt được những yếu tố trên, điều kiện cần đối với các cô gái vàng của chúng ta sẽ là vượt qua vòng loại giải châu Á để có mặt ở VCK có 12 đội. Sau đó sẽ thực hiện mục tiêu xa hơn là vượt qua vòng bảng giải châu Á và thi đấu tốt ở vòng play-off.

Lợi thế cho các cô gái vàng là CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu tại giải. Với những đội bóng quá mạnh (không tính chủ nhà World Cup Australia) như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc gần như chắc vé, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ cạnh tranh cùng các đối thủ khác có cùng trình độ là Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa, Uzbekistan, Myanmar, Philippines, Jordan,… để tranh suất dự World Cup.

Vừa rồi là một số thông tin về giải vô địch bóng đá nữ thế giới và cơ hội của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Hy vọng những thông tin trên sẽ mang lại những điều bổ ích với bạn, đồng thời cầu chúc cho các cô gái vàng của chúng ta làm nên kỳ tích để giành vé dự World Cup của bóng đá nữ.

Bài viết liên quan